LÊN XE THẢO KIM NGÂN: ĐẾN VỚI HUYỀN TÍCH VỀ LINH SƠN THÁNH MẪU- BÀ ĐEN

Vùng đất “Thánh” Tây Ninh hẳn không còn xa lạ với những truyền thuyết tâm linh lâu đời. Trong đó, các bí ẩn xoay quanh điển tích Linh Sơn Thánh Mẫu- Bà Đen vẫn được giới học thuật và tín đồ hành hương nghiên cứu. Hãy cùng Thảo Kim Ngân tìm hiểu các thông tin liên quan đến vị mẫu thần có sức ảnh hưởng bậc nhất tại vùng Đông Nam Bộ này…

Vậy Linh Sơn Thánh Mẫu là ai?

Theo các bậc kỳ lão cao niên và tài liệu chính thống, Linh Sơn Thánh Mẫu mang hình tượng của một người con gái xinh đẹp, có nước da ngăm đen nên còn được gọi là Bà Đen. Bà có tấm lòng trong sáng, đức hạnh khoan dung, vị tha, hướng về sự chung thủy sắt son và phẩm chất kiên cường.

Đặc biệt, Linh Sơn Thánh Mẫu luôn sẵn sàng dang tay cứu giúp dân lành khỏi tai ương, khổ nạn. Nhiều lời truyền miệng dân gian đã chứng thực khả năng thần thông quảng đại của Bà trong việc mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Sự linh nghiệm của Linh Sơn Thánh Mẫu được nhiều người chứng thực.

Trong dân gian lưu truyền  hai sự tích về Linh Sơn Thánh Mẫu, đó là “người con gái tự vẫn thủ tiết” và  “ hiển linh báo mộng cho vua Gia Long”. Vậy quý khách, lên xe Thảo Kim Ngân đến vùng đất Thánh tìm hiểu về Bà…

 

@Về Huyền tích về cô gái thủ tiết:

Khi xưa, đất Hoang Hóa (thị xã Trảng Bàng ngày nay) nổi tiếng có cô gái Lý Thị Thiên Hương diện mạo đen đúa nhưng phẩm hạnh đoan trang, tài năng xuất chúng, hay lên chùa lễ Phật vào những ngày trăng rằm. Nhiều trai tráng trong vùng âm thầm mến mộ nàng, trong đó có tên công tử quan huyện kiêu căng ao ước lấy nàng về làm thiếp. Sau nhiều lần cám dỗ bằng tiền bạc không thành, gã bèn sai thuộc hạ dùng vũ lực bắt cóc nàng thiếu nữ tội nghiệp.

Giữa tình thế hiểm nghèo, một chàng trai tên Lê Sĩ Triệt đã anh dũng hành hiệp trượng nghĩa, giải thoát nàng Thiên Hương  thoát khỏi bọn cường hào ác bá. Chàng vốn là con nuôi của nhà sư Trí Tân, có tiếng văn hay võ giỏi, tài mạo song toàn. Cảm mến trước ơn nghĩa này, cha mẹ nàng đã hứa hôn cho hai người chuyện trăm năm.

Nào ngờ không lâu sau, chàng Lê Sĩ Triệt phải lên đường tòng quân, bỏ lại nàng Thiên Hương trông ngóng mỏi mòn. Trong một lần lên núi lễ Phật cầu an, nàng không may bị gia nô của tên công tử vây khốn và phải nhảy xuống hố sâu tử tiết để giữ đạo trung trinh. Nhờ căn tu vững vàng qua mấy kiếp, nàng thoát khỏi luân hồi khổ nhục và đắc đạo thành tiên.

Nàng hiện hồn báo cho sư thầy Trí Tân biết về sự ra đi của mình. Hy vọng thầy giúp đem thân xác phàm trần vẫn còn nguyên vẹn về chôn cất. Hòa thượng nghe lời mách bảo và tìm được di thể của người con gái bạc mệnh. Chuyện đồn đến tai thượng quốc công Lê Văn Duyệt – trung thần của vua Gia Long. Với bản tính cương trực và không tin chuyện huyễn hoặc, Ngài liền lên núi tra xét thực hư.

Đứng trước người dân, thượng quốc công triệu hồn nàng Thiên Hương có linh thì hiển thánh. Lúc này, nàng nhập hồn vào một cô gái thôn quê và kể cho ngài Lê Văn Duyệt tường tận sự tình. Đồng thời, nàng cũng báo trước cho thượng quốc công biết về nỗi oan khiên thấu trời xanh trong tương lai của ngài. Cảm động trước tấm lòng đoan trinh ấy, ngài Lê Văn Duyệt trở về dâng sớ tâu vua, sắc phong nàng Lý Thị Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu, ngự tại núi Một (tức núi Bà Đen sau này).

Và thực tế lịch sử đã chứng minh dự đoán của Linh Sơn Thánh Mẫu về án oan của thượng quốc công hoàn toàn linh ứng. Ngoài ra, Bà cũng nhiều lần báo mộng cho nhân dân biết trước tai ương, dịch bệnh, chỉ dẫn cách phòng ngừa thú dữ.

Từ đó, uy thần hiển hách của Bà truyền mãi đến nay, hương khói thơm nghi ngút tại điện thờ Bà quanh năm suốt tháng, tán thán ân đức vô lượng của mẫu thần. Văn hóa thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu vẫn được duy trì đến tận ngày nay

@Về  huyền tích vua Gia Long nằm mộng cầu nguyện Bà…

Tương truyền thuở xưa, vùng núi Tây Ninh có nhà viên quan trấn địa phương người Miên sinh ra một cô con gái hiền thục, nết na, tên là Đênh. Từ năm 13 tuổi, nàng Đênh đã được tiếp xúc với giáo lý đạo Phật thông qua một vị thiền sư người Tàu từ Bến Cát đến Tây Ninh khai sơn lập tự. Vốn là người mộ đạo, quan trấn đã mời vị hòa thượng nghỉ lại tại nhà và kiến thiết cho thầy một ngôi chùa nằm về phía Đông chân núi.

Trong thời gian này, sư thầy tích cực truyền dạy Phật pháp đến gia đình quan trấn và cơ vệ đội, từ đó phát hiện căn tu của nàng Đênh. Ngày qua ngày, nàng miệt mài nghe thầy giảng đạo và càng thêm tôn kính chốn thiền môn. Sau thầy về lại Bến Cát, nàng vẫn tiếp tục lo việc công quả cho chùa và một lòng thành tâm hướng Phật.

Khi đến tuổi cập kê, nhan sắc trâm anh của nàng Đênh vang danh khắp vùng, khiến nhiều chàng trai mong muốn nên duyên cùng nàng. Trong đó có viên quan trấn khác nhờ bà mai hỏi cưới nàng cho trưởng nam nhà ông. Nhận thấy môn đăng hộ đối, song thân nàng Đênh liền chấp thuận mối hôn sự và hẹn ngày lành tháng tốt để đưa sính lễ.

Biết được tin này, nàng Đênh lập tức trằn trọc không thôi và tìm cách trì hoãn. Cuối cùng, nàng quyết định xuất gia cầu đạo, không lập gia đình và bỏ đi biệt tích trong đêm. Nhiều người đồn đoán rằng nàng không may bị cọp vồ trên núi và thiệt mạng. Qua một thời gian, nàng hiển thánh về và cho biết mình nay đã tu thành chánh quả, nhận lệnh ân trên phổ độ chúng sanh. Cư dân trong vùng từ đó bắt đầu sùng bái Bà Đênh.

Vào thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh phải bôn tẩu vào Nam để lẩn tránh sự truy lùng gắt gao của quân đội Tây Sơn. Tại vùng đất này, ông nằm mộng cầu mong sự giúp đỡ của Bà Đênh theo gợi ý của người dân. Đáp lại lời khấn nguyện, chỉ dẫn Nguyễn Ánh tìm quả dại cứu đói và dẫn binh lính trốn thoát khỏi cảnh hiểm nguy.

Khi hoàn thành phục hưng nhà Nguyễn và lên ngôi trị vì, vua Gia Long đã sắc phong Bà Đênh chức Linh Sơn Thánh Mẫu, đúc cốt tượng đồng đen thờ  trong thạch động để đền đáp ơn nghĩa năm xưa. Người dân địa phương cũng bắt đầu gọi vùng núi này là núi Bà Đênh, sau đọc trại thành Bà Đen như hiện nay.

 

Trầm Vĩ Hào (ST)

Đánh giá post