Trong thời gian vừa qua, để bảo đảm an toàn giao thông, bộ phận Đội xe, pháp chế của Công ty qua camera giám sát hành trình đã kiểm tra sát sao tình trạng lái xe ô tô làm việc quá giờ quy định. Bởi vậy, nhằm bảo đảm sức khỏe của tài xế ô tô cũng như sự an toàn của mỗi hành trình, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đặt ra giới hạn thời gian làm việc đối với mỗi lái xe.
Bài viết sau đây, sẽ trình bày về thời gian làm việc tối đa của người lái xe ô tô và quy định về xử phạt người lái xe ô tô khi vi phạm quy định về thời gian làm việc.
Căn cứ pháp lý
– Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008 ngày 13/11/2008
– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Quy định thời gian làm việc của người xe lái ô tô:
– Căn cứ Khoản 1, Điều 65 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định thời gian làm việc của người lái ô tô như sau:
“Điều 65. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô
- Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
- Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo như quy định trên thì trong vòng 01 ngày, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được vượt quá 10 giờ. Bên cạnh đó, người lái xe ô tô không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Quy định này là rất hợp lý bởi:
Lái xe là công việc nguy hiểm, là loại hình lao động nặng nhọc, khi tham giao thông người lái xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ (Điều 601- Bộ luật Dân sự năm 2015). Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người lái xe ở một số cơ sở xe khách, xe tải do nhu cầu lợi nhuận, đã vi phạm nghiêm trọng đến các quy định của Luật này về thời gian làm việc của người lái xe. Vì nhu cầu lợi nhuận đã có hành vi ép lái xe làm việc quá sức dẫn đến tình trạng lái xe bị mất ngủ, căng thẳng về thần kinh, mệt mỏi nên không làm chủ được tay lái của mình gây ra tình trạng tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến giấc ngủ của lái xe chiểm tới 30% tổng các vụ tai nạn giao thông trong một năm. Điều này là do người lái xe ô tô không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, làm việc quá sức quá giờ quy định nên mới gây ra hậu quả như vậy.
Trách nhiệm của người lái xe ô tô
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm thực hiện quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô theo quy định tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì căn cứ theo quy định tại Điều Luật giao thông đường bộ quy định trách nhiệm của người lái xe ô tô trên xe ô tô vận tải hành khách như sau:
– Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành.
– Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định.
– Kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa bảo đảm an toàn.
– Có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe.
– Đóng cửa lên xuống của xe trước và trong khi xe chạy.
Xử phạt người vi phạm quy định về thời gian làm việc
Căn cứ tại Điểm d, Khoản 6, Điều 23, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), quy định:
“6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[…]
- d) Điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ;
[…]”
Khoản 8 Điều này cũng quy định về hình thức xử phạt bổ sung như sau:
“8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); điểm c, điểm d, điểm e khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm o, điểm q khoản 5; khoản 6; điểm b khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Do đó:
Khi người lái xe điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước bằng lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Bên cạnh đó, Điểm d Khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định:
“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- d) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23; điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23; điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này;”
Theo đó, chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
Trầm Vĩ Hào
(Trích luật)