Ngay từ khi mới thành lập, lãnh đạo Công ty đã chú trọng mở lớp tập huấn về văn hoá giao thông cho các lái xe. Đó là thái độ phục vụ nhã nhặn lịch sự, chu đáo với hành khách, tuyệt đối không nói tục, chửi thề, vi phạm luật Giao thông đường bộ như phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi inh ỏi, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Như chúng ta đã biết, nghề lái xe đang phải chịu sức ép rất lớn từ phía dư luận xã hội vì đây là nghề đặc thù có liên quan đến nhiều người. Bởi ngay từ lúc hành khách mua vé, bước lên xe là bắt đầu tương tác suốt hành trình với “bác tài”, phụ xe! Tuỳ theo tuyến ngắn, dài chí ít cũng từ 2g đến 7 giờ hành khách sẽ giao lưu với lái xe, phụ xe …
Bên cạnh đó, họ còn phải được trang bị cho mình kiến thức pháp luật, có trách nhiệm với khách hàng. Không chỉ giúp đỡ đồng nghiệp, người lái xe cần có quan hệ đúng mực với người thi hành công vụ như CSGT, Thanh tra giao thông… tu dưỡng bản thân, sống lành mạnh, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi tham gia giao thông. Trong thực tế cũng có những tài xế có lối sống chuẩn mực nêu gương tốt, để lại hình ảnh đẹp trong lòng hành khách.
Tuy vậy, cũng có lái xe chạy đua tốc độ, lấn tuyến, tránh vượt không đảm bảo, gây mất an toàn giao thông. Hành vi đó không chỉ thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, mà còn là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của lái xe với sự an toàn cho nhiều người. Bởi vì chỉ cần một hành vi cẩu thả của họ sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường.
Do vậy, vấn đề đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho người tài xế là hết sức cần thiết, vì nó liên quan đến sinh mạng của nhiều người. Lực lượng chức năng cần chấn chỉnh đội ngũ lái xe, nâng cao đạo đức, kiểm tra chặt chẽ các điều kiện quy định cho lái xe chở khách, nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông.
Trầm Vĩ Hào (ST)